Các tác phẩm Utagawa Hiroshige

Một bản họa được in tối màu tên "Người đàn ông băng qua cầu trên lưng ngưa". Từ loạt Sáu mươi chín Trạm của Kiso Kaidō, đây là Cảnh 28 và Trạm 27 tại Nagakubo-shuku, mô tả cây cầu Wada bắc qua sông Yoda. [23]

Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình, Hiroshige đã sáng tác hơn 8.000 tác phẩm.[24] Tuy nhiên ở thời kỳ đầu, chúng chỉ được giới hạn theo các chủ đề phổ biến của ukiyo-e như về phụ nữ (美人画 bijin-ga) và nghệ sĩ kịch (役者絵 yakusha-e). Sau khi người thầy Toyohiro qua đời, Hiroshige thực hiện một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp, với loạt bản họa phong cảnh năm 1831 Danh thắng Đông Đô (東都名所 Tōto Meisho) được giới phê bình đánh giá cao về bố cục và màu sắc. Để phân biệt với các bản họa Edo khác cũng của Hiroshige, chúng được gọi là là Ichiyūsai Gakki, bắt nguồn từ việc chúng được ký tên Ichiyūsai Hiroshige. Loạt Năm mươi ba Trạm của Tōkaidō (1833–1834), tiếp tục gặt hái được thành quả.[20] Được đúc kết từ những chuyến đi thực tế của Hiroshige, với quãng hành trình dài 490 kilômét (300 dặm). Chúng được đánh dấu chi tiết về ngày tháng, địa điểm cùng với các giai thoại về những người bạn đồng hành của ông. Trên thực tế, loạt bản họa này nổi tiếng đến mức ông đã tái bản thêm ba phiên bản khác, một trong số đó được thực hiện chung với Kunisada.[25] Hiroshige tiếp tục sản xuất hơn 2000 bản in khác nhau về Edo và các trạm bưu điện Tōkaidō, cũng như loạt các tác phẩm như Sáu mươi chín trạm của Kisokaidō (1834–1842) và Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ (1852–1858). Ước tính trong tổng số 5000 tác phẩm của ông, những bản họa phong cảnh này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong mọi thể loại.

Hiroshige thống trị thể loại in phong cảnh với những tác phẩm độc đáo của mình, lúc này quy mô vẫn còn nhỏ so với loại tranh phong cảnh truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc, như của họa sĩ Sesshu. Các bản họa hành trình thường mô tả các lữ khách dọc tuyến đường trên nền là những địa điểm nổi tiếng, theo từng điểm dừng khác nhau trên đường đi. Họ thực hiện các chuyến đi trong hầu hết các mùa không kể mưa hay tuyết. Năm 1856, ông hợp tác với nhà xuất bản Uoya Eikichi, tạo nên một loạt các bản in sang trọng, với việc thực hiện các kỹ thuật in tốt nhất bao gồm phân loại màu, quét mica ( tạo nên hiệu ứng óng ánh độc đáo), in nổi, in vải, và in keo (trong đó mực được trộn với keo để tạo hiệu ứng lấp lánh). Hiroshige đã đi tiên phong trong việc sử dụng định dạng dọc trong in phong cảnh với loạt Những danh thắng tại hơn sáu mươi tỉnh thành. Tiếp đến là loạt Một Trăm Danh Thắng của Edo (được xuất bản từ năm 1856 đến 1859) cũng trở nên vô cùng nổi tiếng. Loạt này đã được xuất bản sau khi Hiroshige qua đời với một số bản họa vẫn còn dang dở, dù rằng ông đã tự mình tạo ra hơn 100 bản. Hai bản họa khác đã được thêm vào bởi Hiroshige II sau khi ông mất.